Khu Nam, địa chỉ của những dự án tỷ đô

Từ một vùng đất kém phát triển, người dân chủ yếu gắn với bưng biền, cù lao, khu Nam Sài Gòn đã hoàn toàn lột xác, trở thành đô thị hiện đại, là địa chỉ của nhiều dự án tỷ đô.

Bưng biền thành phố thị

Khu Nam Sài Gòn trước năm 1990 chỉ là vùng đất kém phát triển, với đầm lầy, cù lao. Hệ thống giao thông chủ yếu là đường thủy nối liền từ trung tâm Thành phố ra huyện Cần Giờ và các tỉnh phía Tây.

Tuy nhiên, gần 30 năm sau, từ một vùng đất đầm lầy, hoang vu, khu Nam Sài Gòn đã chuyển mình mạnh mẽ với nhà sát nhà, phố sát phố, ánh đèn đô thị đã và đang từng ngày lan toả đến từng ngõ ngách. Các vùng bưng biền đang dần được thay thế bởi các phố thị sầm uất tấp nập người qua lại. Các khu biệt thự dần hình thành.

Sự đổi thay trên vùng đất này được đánh dấu vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi lãnh đạo TP.HCM quyết tâm đổi mới, phá thế bế tắc, phát triển mạnh Thành phố về phía biển theo hướng Đông và hướng Nam. Từ đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã được mời gọi vào đầu tư phát triển khu Nam Thành phố.

Khu chế xuất Tân Thuận, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Long Hậu, Cảng SPCT… lần lượt ra đời. Người dân tụ về, những khu dân cư mới thành hình, những công trình giao thông lớn kết nối khu Nam với trung tâm Thành phố lần lượt được xây dựng, biến vùng đất bưng biền thành đô thị hiện đại.

Theo đánh giá của TS. Phạm Sỹ Liêm, Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, khu Nam TP.HCM hiện nay là khu đô thị tiêu biểu không chỉ ở TP.HCM, mà còn của cả nước. Đây là khu đô thị tiêu biểu cho tư duy phát triển đô thị hiện đại, có chất lượng sống tốt và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ.

Hiện nay, TP.HCM đã chính thức quy hoạch khu Nam thành một trong bốn thành phố vệ tinh của đô thị TP.HCM đa cực với diện tích gần 3.000 ha và dân số 500.000 người, là trung tâm cho sự phát triển Thành phố về hướng Nam. Thành phố vệ tinh này gồm 20 khu chức năng thành phần với trung tâm là khu A của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Sự thành hình Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là bước đột phá quan trọng, tạo nên sự thay đổi ngoạn mục của cả khu Nam. Ngoài Đại lộ Nguyễn Văn Linh, gắn liền với Khu đô thị Nam Sài Gòn, còn có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác đã và đang được xây dựng tại đây. Một trong những dự án hạ tầng quan trọng nhất là dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, sẽ được đưa vào sử dụng năm 2020.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành được đưa vào khai thác sẽ giúp giao thông liên vùng phía Tây và Đông Nam bộ không cần “quá cảnh” qua TP.HCM; nối trực tiếp với mạng lưới đường cao tốc – quốc lộ, với hệ thống cảng biển quốc tế lớn của khu vực như Hiệp Phước, Thị Vải – Cái Mép và với Sân bay Quốc tế Long Thành. Đặc biệt, dự án có điểm giao với TP.HCM tại khu vực huyện Nhà Bè và đây sẽ là động lực mới, tạo đà cho khu vực này kết nối dễ dàng với các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ.

Sau thời gian phát triển, khu Nam thời gian qua đối mặt với áp lực ùn tác giao thông, khiến thị trường bất động sản nơi đây trầm lắng và đánh mất vị thế vào tay khu Đông.

Để giải quyết các điểm nóng về giao thông tại khu Nam, ngoài dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, nhiều dự án hạ tầng cũng đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư ở khu vực này, như dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng); dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; dự án đường trục Bắc – Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè (tổng kinh phí dự trù hơn 6.744 tỷ đồng); dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng…

Sức hút của những dự án tỷ đô

Nhìn lại khu Nam Sài Gòn, sau dự án tỷ đô Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã hình thành, trở thành đầu tàu cho sự phát triển của khu vực, khu Nam còn thu hút nhiều dự án bất động sản tỷ đô khác.

Cụ thể, kế bên “người khổng lồ” Phú Mỹ Hưng là Dự án Dragon City do Công ty Địa ốc Phú Long làm chủ đầu tư. Với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, Dragon City có quy mô 65 ha trải dài hơn 7 km mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ (trục Bắc – Nam) thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Dragon City là sự đan kết hài hòa của rất nhiều dự án thành phần với các dòng sản phẩm cao cấp, đa dạng về công năng sử dụng, phục vụ cho mọi nhu cầu sinh hoạt và kinh doanh của cư dân nơi đây. Hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại cùng các tiện ích đô thị văn minh, sang trọng, cảnh quan thoáng đãng, trong lành gần gũi với thiên nhiên.

Đối diện với Dragon City là Dự án Kenton Node Hotel Complex do Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư. Sau nhiều năm nằm bất động do sự khó khăn của thị trường, thời gian qua, dự án này đã được khởi động trở lại với nhiều sự thay đổi.

Với tổng vốn đầu tư cũng lên đến cả tỷ USD, Kenton Node Hotel Complex được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu. Dự án tích hợp nhiều tiện ích cao cấp, không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở, mà còn đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước với các khách sạn 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Một siêu dự án khác là Saigon Peninsula của Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo giới thiệu, đây là dự án có quy mô lớn, sẽ làm thay đổi cả khu vực một khi đưa vào hoạt động. Saigon Peninsula có quy mô 118 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD, được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 từ năm 2010.

Các nhà đầu tư cho biết, sẽ biến dự án thành nơi hội tụ của những nét kiến trúc độc đáo mang tầm cỡ quốc tế và là “lá phổi xanh” hòa quyện vào không gian sông nước sinh thái lý tưởng với vị trí nằm ngay ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè. Tuy nhiên, dù được công bố khởi động khá lâu, nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai quyết liệt.

Theo quy hoạch, khu đất quy hoạch dự án thuộc phường Phú Thuận, quận 7, tổng diện tích là 118 ha, có phía Đông giáp sông Nhà Bè, phía Tây giáp đường Đào Trí hiện hữu, phía Nam giáp sông Nhà Bè và ranh dự án của các công ty, doanh nghiệp sản xuất…, phía Bắc giáp sông Sài Gòn và rạch Bà Bướm.

Một siêu dự án nữa tại khu Nam Sài Gòn đang chuẩn bị được xây dựng là Dự án Khu đô thị GS Metrocity Nhà Bè. Mới đây, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo UBND huyện Nhà Bè gấp rút hoàn thành thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công trong tháng 5/2018. Dự án có phía Bắc giáp rạch Ông Bốn và các dự án kế cận; phía Nam giáp đường Nguyễn Bình; phía Đông giáp đường Nguyễn Hữu Thọ; phía Tây giáp các dự án dân cư kế cận.

Hiện chủ đầu tư dự án đã bắt tay vào thực hiện ngầm hóa toàn bộ lưới điện cao thế đi qua địa bàn khu Nam để phục vụ việc phát triển dự án. Ước tính, chủ đầu tư sẽ phải thi công xây dựng mới 3.929 m tuyến cáp ngầm 220 kV để di dời, thay thế 4.140 m tuyến cáp Phú Mỹ – Nhà Bè và Nhơn Trạch – Nhà Bè.

Theo quy hoạch, Dự án Khu đô thị GS Metrocity Nhà Bè sẽ được chia làm 3 phân khu chính. Trong đó, khu A là khu đô thị tuyến tính (Linear) có diện tích hơn 115 ha, khu B là khu bán đảo trung tâm (The Center Peninsula) cùng một khu đô thị cửa ngõ (Gateway City) có diện tích gần 58 ha và khu C là khu đô thị công viên (Park City) có diện tích hơn 76 ha với tổng vốn đầu tư lên đến nhiều tỷ USD.

Dự án bao gồm nhiều loại hình nhà ở như biệt thự, khu căn hộ chung cư thấp tầng, khu căn hộ chung cư cao tầng, khu nhà ở phức hợp. Đặc biệt, dự án sẽ dành hơn 35 ha xây dựng các tiện tích công cộng như công trình giáo dục, trung tâm hành chính, trung tâm y tế và thương mại…; 39 ha làm công viên, cây xanh; 66 ha phát triển đường giao thông đô thị và quảng trường.

Ngoài những dự án kể trên, khu Nam cũng đang có hàng loạt dự án có quy mô đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng khác như Dự án Q7 Saigon Riverside của Tập đoàn Hưng Thịnh, Dự án lấn biển Cần Giờ…

Theo phân tích của giới chuyên môn, một khi những dự án tỷ đô này khởi động, hứa hẹn sẽ giúp khu Nam lấy lại vị thế tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *