Dịch Covid-19 được kiểm soát, sự khởi động của hàng loạt công trình giao thông liên vùng và nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý của Chính phủ sẽ là xung lực đưa thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bước vào guồng quay mới sau thời gian dài bị dồn nén.
Đồng loạt khởi động
Cuối tuần qua, 3 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc – Nam gồm các đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây đã đồng loạt được khởi công và dự kiến đến cuối năm 2022, các dự án sẽ đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND Bình Thuận không giấu được vẻ hân hoan khi cho biết, Bình Thuận đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, liên kết các vùng kinh tế trọng điểm với trọng tâm phát triển 3 lĩnh vực là du lịch, năng lượng sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn kết với phát triển kinh tế biển. Sự khởi động của các dự án hạ tầng, trong đó 2 dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây (Bình Thuận) không chỉ có ý nghĩa kết nối cho sự phát triển liên vùng mà còn mở ra một trang mới cho sự phát triển của bất động sản du lịch các tỉnh Nam Trung Bộ.
Sức nóng từ các công trình hạ tầng và sự hồ hởi trở lại sau khi Covid-19 lắng xuống khiến không chỉ thị trường Bình Thuận mà nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các dự án ven biển các tỉnh miền Trung hiện cũng náo nức không kém.
Cuộc chơi lớn bắt đầu
Một trong những thông tin nóng sốt khiến giới đầu tư bất động sản biển “mừng ra mặt” là Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 33/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
Trong đó, một trong các thông tin thu hút sự quan tâm là Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất đối với một số loại hình bất động sản mới (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Theo các doanh nghiệp, quá trình nghiên cứu, xây dựng pháp luật liên quan đến các sản phẩm bất động sản mới sẽ cần thời gian, nhưng việc phát triển dự án để “đón đầu” động lực pháp lý này sẽ phải khởi động ngay từ bây giờ nếu không muốn “lỡ sóng”. Thực tế, giai đoạn cuối năm 2020 sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn của bất động sản nghỉ dưỡng khi đây là thời điểm đồng loạt xuất hiện các “siêu dự án” tỷ đô ven biển và làn sóng đầu tư hướng biển mạnh mẽ nhất trong một thập kỷ qua.
Hồ hởi với tín hiệu cởi trói pháp lý mới từ Chính phủ, ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ rằng, giới hạn về không gian hay ranh giới hành chính với bất động sản biển đã không còn nhiều ý nghĩa khi các công trình hạ tầng mới đang mọc lên ngày càng nhiều và khi giới hạn về pháp lý được nới ra, đó sẽ là thời cơ vàng của bất động sản biển.
“Bất động sản ở những vùng biển đẹp sẽ sớm thành những mỏ vàng triệu đô”, ông Bảo kỳ vọng và phân tích, trước đây, nhắc đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, người ta chỉ nghĩ đến những vùng đất quen thuộc như Vũng Tàu, Mũi Né, Nha Trang, Đà Nẵng hay xa hơn là Phú Quốc, Hạ Long…, song tới đây rất nhiều vùng đất mới sẽ trở thành các “cực nóng” phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng và “hiện mới chỉ là khởi đầu cho sự bùng nổ vào năm 2021 cũng như nhiều năm tới, bởi hầu hết các dự án đang trong giai đoạn đầu tư”.
Tất nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng biển là cuộc chơi dài hơi không dành cho những người dễ đuối sức và khi nhiều dự án lâm vào ngõ cụt thì việc chuyển giao cho các chủ đầu tư chuyên nghiệp hơn không chỉ “cứu sinh” cho dự án mà còn là cái phao kéo thị trường vượt lên.
“Chuyên nghiệp và phải tuân theo quy luật cung – cầu”, đó là điều mà ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc LDG Group tâm niệm khi tham gia vào thị trường bất động sản hiện nay. Theo ông, nếu như trước đây, nói đến bất động sản người ta thường chỉ nói đến Hà Nội và TP.HCM thì hiện nay, những khu vực này thường chỉ phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực, còn để đầu tư sẽ phải tìm đến những vùng đất mới có dư địa tăng giá lớn và có thể trải nghiệm những không gian sống, những dịch vụ, tiện ích hoàn toàn khác biệt
3 ĐIỂM NÓNG MỚI CỦA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Thành phố Thủ Đức, các huyện vùng ven và 26.000 ha đất nông nghiệp chuyển đổi sẽ dẫn dắt thị trường địa ốc từ nay đến 2030.
Báo cáo triển vọng thị trường bất động sản giai đoạn 2020-2030 của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, có ít nhất 3 điểm nóng mới sẽ dẫn dắt nguồn cung nhà ở tại đô thị này trong thập niên tới.
Đây là những địa bàn diễn ra tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa mạnh mẽ, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông vũ bão. Từ đó sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản TP HCM. Những điểm nóng này có đủ tiềm lực thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn cho thị trường bất động sản giai đoạn hậu Covid-19.
Điểm nóng thứ nhất là Thành phố Thủ Đức: trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới rộng 211 km2, dân số hơn một triệu người. Nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao như: Khu công nghệ cao (giai đoạn 2010-2020 thu hút hơn 7 tỷ USD đầu tư và xuất khẩu 77 tỷ USD); cụm đại học phía Đông thành phố (hơn 100.000 sinh viên, 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ); đường vành đai 3; Metro Số 1, Khu đô thị mới Thủ Thiêm – được quy hoạch là trung tâm tài chính tương lai; cảng container Cát Lái lớn nhất nước…
Thành phố mới dự kiến đóng góp khoảng 30% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP HCM và chiếm khoảng 7% GDP (tổng sản phẩm nội địa) của cả nước. Nơi đây còn là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Thị trường bất động sản Thủ Thiêm, một trong những khu đô thị hạt nhân của TP HCM và của cả Thành phố Thủ Đức.
HoREA đánh giá Thành phố Thủ Đức hiện là địa bàn có nhiều dự án khu đô thị hiện đại nhất Sài Gòn và đây chính là nguồn cung nhà ở, bất động sản thương mại dịch vụ dồi dào trong thời gian tới. Các dự án đại đô thị quy mô hàng trăm ha thuộc điểm nóng này trải dài khắp các quận 2, 9, Thủ Đức. Trong vòng 5-10 năm tới thành phố mới này sẽ tung ra thị trường nhiều loại hình bất động sản đa dạng. Đồng thời, đây cũng là điểm nóng thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vì tiềm năng phát triển rất lớn.
Điểm nóng thứ hai là 4 huyện nằm trong đề án chuyển đổi thành quận trong thời gian tới. Huyện Củ Chi có 43.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 14.000 ha (chiếm 32%) nhưng dự báo đến năm 2025 chỉ còn 4% số hộ làm nông nghiệp.
Huyện Hóc Môn, diện tích đất nông nghiệp chiếm 21% và dự báo năm 2025 số hộ nông nghiệp còn làm là 0,6%, với 1.200 người làm nông nghiệp. Dự kiến năm 2030 chỉ còn 619 người làm nông nghiệp.
Huyện Bình Chánh có 7.900 ha đất nông nghiệp, chiếm 31% diện tích tự nhiên huyện. Dự báo đến năm 2025 chỉ còn 0,4% số hộ làm nông nghiệp.
Tại huyện Nhà Bè, diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch chỉ chiếm 3%. Dự báo năm 2025 chỉ còn hơn 100 hộ làm nông nghiệp, tức 0,1% số hộ trên địa bàn.
Trong nhóm 4 huyện này, Bình Chánh là địa phương chịu áp lực lớn nhất bởi tỷ lệ đất nông nghiệp cao nhưng số hộ làm nông nghiệp thấp. Do đó, nguy cơ chuyển đổi đất bất hợp pháp nhiều nhất vì người dân không có nhu cầu làm nông nghiệp.
Bốn huyện vùng ven này được hiệp hội dự báo sẽ sớm được chuyển đổi lên quận trong thập niên tới và nhanh chóng trở thành tâm điểm của thị trường nhà ở. Khi đó, cuộc cách mạng về tư duy bất động sản sẽ chuyển đổi từ việc di chuyển bao xa sang di chuyển bao lâu và hạ tầng giao thông sẽ trở thành yếu tố quyết định cho thị trường bất động sản ở các huyện vùng ven này.
Bên cạnh đó, HoREA đánh giá, hoàn toàn có khả năng chuyển huyện thứ năm của TP HCM là Cần Giờ lên quận gắn liền với quá trình chuyển đổi huyện Cần Giờ trở thành “đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường” gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới. Tại huyện Cần Giờ, đất lâm nghiệp và nông nghiệp chiếm 60% và nơi đây là lá phổi của thành phố với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Điểm nóng thứ ba là 26.000 ha đất nông nghiệp thuộc diện chuyển đổi chức năng thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở. Chính phủ đã quyết định cho TP HCM được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020.
Vị trí của 26.000 ha này nằm rải rác ở hầu hết quận – huyện còn quỹ đất nông nghiệp, trong đó phần lớn là đất do hộ dân quản lý, sử dụng, chỉ có một phần là đất Nhà nước quản lý. Về hiện trạng, một phần diện tích vẫn đang canh tác nông nghiệp, một phần không thể canh tác do bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa nên các điều kiện về thổ nhưỡng, tưới tiêu… không còn phù hợp. Chẳng hạn, các thửa đất nông nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư; một số khu vực như ở Nhà Bè bị nhiễm phèn nặng, không thể trồng lúa hoặc chuyển đổi sang loại cây trồng khác.
HoREA cho biết thêm, thực tế đã chứng minh 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp. Do đó, chuyển đổi đất nông nghiệp sẽ mang lại lợi ích cho người dân lẫn thành phố và giúp thị trường bất động sản tối ưu được quỹ đất này.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA phân tích, trong 3 điểm nóng đô thị hóa trên, Thành phố Thủ Đức hội đủ nhiều điều kiện để bứt phá nhanh nhất trong chu kỳ 5-10 năm tới.
Ông Châu đánh giá, các vị trí ven sông như bán đảo Thủ Thiêm, bán đảo Hiệp Bình Phước, Thảo Điền hay khu vực trục đô thị tại quận 9 uốn quanh sông Đồng Nai thuộc địa phận Thành phố Thủ Đức đang có xu hướng phát triển bất động sản cao cấp. Trong khi đó, các khu vực còn lại phân bổ đều cho nhiều phân khúc nhà ở, bất động sản thương mại, dịch vụ khác nhau.
NGUỒN: vnexpress.net