UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ góp 4.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để đầu tư Dự án Xây dựng đường bộ Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo hình thức PPP.
Quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc
Chốt phương án đầu tư
Theo thông tin của Báo Đầu tư, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký Tờ trình số 4165/TTr-UBND kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường bộ Tân Phú – Bảo Lộc theo hình thức PPP do đơn vị đề xuất dự án là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả – Tập đoàn Địa ốc Hưng Thịnh.
Tờ trình này đã được cập nhật kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc của Hội đồng Thẩm định liên ngành được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký ban hành vào ngày 15/6/2021.
Cụ thể, Dự án Xây dựng đường bộ Tân Phú – Bảo Lộc (một trong ba phân đoạn của cao tốc Dầu Giây – Liên Khương) sẽ đầu tư xây dựng mới 66 km đường cao tốc quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài 11 km, đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng dài 55 km. Trong giai đoạn phân kỳ đầu tư, phần lớn tuyến đường có bề rộng nền đường 13,5 m, riêng một số đoạn đào sâu, đắp cao nền đường được hoàn thiện ngay theo quy mô 22 m, thuận lợi cho giai đoạn mở rộng, hoàn thiện (sau năm 2035).
Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án Xây dựng đường bộ Tân Phú – Bảo Lộc là 16.220 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí xây dựng là 10.175 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng, tái định cư là 1.122 tỷ đồng.
Điểm nhấn đặc biệt tại Dự án là tỷ lệ tham gia của phần vốn ngân sách địa phương để đảm bảo tính khả thi tài chính là rất lớn. Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cam kết góp 4.500 tỷ đồng từ ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021 – 2025, trong tổng số 6.500 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án. Phần vốn còn lại trị giá 8.260 tỷ đồng sẽ do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu và từ các nguồn hợp pháp khác.
Cấn cá suất đầu tư
Theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, nếu chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc được Chính phủ thông qua, địa phương sẽ hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để có thể khởi công công trình vào năm 2022, hoàn thành công trình vào năm 2025.
“Nhu cầu sớm cụ thể hóa tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là rất lớn để sớm tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, du lịch địa phương. Trong đó, tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc được chọn là điểm đột phá khẩu, kích hoạt 2 phân đoạn còn lại phải sớm khởi động theo”, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Nhu cầu sớm cụ thể hóa tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là rất lớn để sớm tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, du lịch địa phương.
Hiện điểm cấn cá duy nhất trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án là suất đầu tư xây dựng còn nhiều điểm cần phải làm rõ.
Tại Báo cáo kết quả thẩm định Dự án, Hội đồng Thẩm định liên ngành cho rằng, suất vốn đầu tư chung của Dự án do UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất là khá cao so với suất vốn đầu tư quy định tại Quyết định số 65/QĐ-BXD ngày 20/1/2021 của Bộ Xây dựng ban hành suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tống hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2020 (được tính cho công trình phổ biến, chưa tính tới các yếu tố địa hình, điều kiện vận chuyển khó khăn).
Do vậy, Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát, cập nhật và tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án, bảo đảm tính đúng, đủ, phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và điều kiện địa hình, vận tải cụ thể của Dự án.
Theo Báo đầu tư