Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã trải qua một năm 2020 đầy khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Nhưng trong nguy có cơ, nhiều cơ hội, triển vọng đã được mở ra với phân khúc này trong một bối cảnh thị trường đầy thách thức.
Đại dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản Việt Nam vốn giảm tốc từ năm 2019 càng thêm khó khăn. Hệ lụy giãn cách xã hội đã đẩy thị trường vào tình cảnh sụt giảm giá cả và giá trị, thậm chí một số phân khúc đóng băng, tê liệt một thời gian. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch.
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, lượng condotel bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm. Trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường condotel gần như đóng băng. Cả năm giao dịch chỉ đạt khoảng 120 sản phẩm. Nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng cũng chẳng khá hơn khi lượng villa, shophouse trong năm 2020 đạt gần 15.000 sản phẩm, nhưng tỷ lệ hấp thụ xấp xỉ 8%.
Thế nhưng, Covid-19 đã làm thay đổi hành vi, thói quen, lối sống của người tiêu dùng và góp phần quan trọng tái định hình thị trường. Nhiều phân khúc, trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã có sự thay đổi nhằm thích ứng với bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Apec Group, Tổng giám đốc CTCP IDJ Việt Nam
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Apec Group, Tổng giám đốc CTCP IDJ Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với CafeLand xung quanh sự chuyển biến của phân khúc này trong một năm 2020 đầy biến động.
CafeLand: Thưa ông, Bất động sản nghỉ dưỡng bị tác động như thế nào trong năm 2020?
Ông Nguyễn Quang Huy: Năm 2020 là một năm đầy khó khăn với thị trường bất động sản, đặc biệt là Bất động sản nghỉ dưỡng. Vụ Cocobay đổ vỡ khiến khách đầu tư bị ảnh hưởng, tâm lý thận trọng bao trùm, sức mua sụt giảm mạnh do thu nhập của khách hàng sụt giảm trong ngắn hạn, khả năng hồi phục khó khăn sau Covid-19.
Các ngân hàng cũng siết chặt tín dụng với kênh bất động sản, đặc biệt là Bất động sản nghỉ dưỡng (do các condotel, biệt thự nghỉ dưỡng không có sổ đỏ nên không làm tài sản đảm bảo được cho khoản vay).
Hệ quả là nhiều dự án của các chủ đầu tư không bán được hàng, chậm tiến độ hay thậm chí buộc phải dừng thi công.
Về phía khách du lịch, lượng khách ngoại sụt giảm mạnh, khách nội địa nhu cầu vẫn tốt nhưng do ảnh hưởng từ các đợt giãn cách xã hội khiến ngành du lịch Việt nội thương nghiêm trọng, nhiều khách sạn, khu vui chơi giải trí, nhà hàng phải đóng cửa, ngừng hoạt động.
Trong nguy có cơ, vậy theo ông, đâu là cơ hội của Bất động sản nghỉ dưỡng trong một năm 2020 đầy khó khăn và thách thức?
Theo tôi, 2020 là nguy nhưng trong nguy có cơ. Đây là cơ hội tốt để thị trường thanh lọc các chủ đầu tư yếu kém về tài chính, năng lực quản lý vận hành. Doanh nghiệp bắt buộc phải sáng tạo hơn, tìm chiến lược, giải pháp sống chung với dịch lâu dài, chuyển hướng phục vụ khách nội địa tốt hơn. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Dịch bệnh cũng thúc đẩy các hoạt động M&A trên diện rộng với quy mô lớn, là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp mạnh, giàu tiềm lực thâu tóm các công ty tiềm năng, các khu đất vàng, các dự án có vị trí đắc địa… Đồng thời, tăng tính liên kết trong các hoạt động đầu tư và tiếp xúc du lịch giữa các địa phương và chủ đầu tư.
Ở tầm nhìn xa hơn, Việt Nam đã trở thành biểu tượng trong việc phòng chống dịch trên toàn thế giới. Việt Nam là điểm đến an toàn nhất thế giới không ai có thể phủ nhận. Đây là lợi thế rất lớn, mang tính then chốt để ngành du lịch sớm hồi phục sau dịch, có thể thu hút các khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam với các biện pháp du lịch an toàn.
Covid-19 đã làm thay đổi hành vi, thói quen của người tiêu dùng. Xu hướng du lịch nào đã và sẽ lên ngôi? Theo ông, đâu sẽ là những thị trường trọng điểm của xu hướng này? Liệu staycation có phải là một trong số các xu hướng đó?
Covid-19 sẽ khiến hoạt động du lịch nước ngoài bị hạn chế và sẽ phải mất vài năm nữa hoạt động du lịch mới bình thường trở lại.
Trong khi đó, ở mảng du lịch nội địa, các thành phố lớn ngày càng bức bí hơn. Người dân ở các thành phố lớn sẽ muốn đi du lịch nhiều hơn và trải nghiệm tại các địa phương có bán kính tối đa 200km, thời gian di chuyển ngắn từ 1-3h đồng hồ khi có đường cao tốc, sân bay, địa phương; các địa phương có bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng, có nền ẩm thực độc đáo, phong phú, có cảnh đẹp về thiên nhiên…
Xu hướng staycation sẽ lên ngôi. Trong đó, trọng điểm sẽ tập trung vào các thị trường trọng điểm: Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… (miền Bắc) hay Bình Thuận, Vũng Tàu (miền Nam).
Liệu khi Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi thế giới, xu hướng staycation này sẽ kết thúc? Những thị trường từng là điểm đến của staycation như Hòa Bình, Bình Thuận có còn được ưa chuộng?
Covid-19 sẽ được kiểm soát nhưng thế giới có thể phải sống chung với nó trong 5-10 năm tới. Xu hướng staycation sẽ là xu hướng dài hạn. Các tỉnh như Hòa Bình là thủ phủ nghỉ dưỡng khoáng nóng hay Bình Thuận – Ninh Thuận là thủ phủ resort cao cấp với bờ biển đẹp, ánh nắng chan hòa quanh năm vẫn sẽ là điểm hút du lịch không chỉ Việt Nam mà còn cả thế giới.
Đây cũng là tầm nhìn và chiến lược của chúng tôi thời gian tới. Tập đoàn Apec Group và CTCP IDJ Việt Nam đã quyết định đầu tư 1 tỉ USD vào thị trường Bình Thuận và 2 tỉ USD vào thị trường Hòa Bình để đón đầu xu hướng này bên cạnh các dự án đã triển khai trước đó.
Theo ông, năm 2021, Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có diện mạo như thế nào?
Bất động sản nghỉ dưỡng có diện mạo mới trong năm 2021: concept xuất sắc hơn, quy mô hơn, áp dụng 4.0 vào xây dựng và quản lý vận hành, các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư sẽ linh hoạt hơn, cung cấp gói giải thông minh pháp giúp khách hàng có thể tự quản lý vận hành và có lợi nhuận trong dài hạn.
Việc đầu tư và vận hành sẽ có tính liên kết cao hơn giữa các chủ đầu tư, chủ đầu tư với chính quyền địa phương, hoạch định du lịch quốc gia để đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đặc sắc, đưa Việt Nam trở thành điểm đấn hấp dẫn, an toàn cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Xin cảm ơn ông!
NGUỒN: cafeland.vn