Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dự kiến dài 67 km, quy mô 4 làn xe, tổng kinh phí khoảng 18.000 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ giảm tải cho quốc lộ 20.
Ngày 7/10, Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết đã trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Dự kiến dự án được đưa vào đầu tư trong thời gian trung hạn 2021- 2025 theo hình thức BOT.
Nút giao cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây với quốc lộ 1A tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai, hôm 4/10. Ảnh: Phước Tuấn.
Cao tốc đi qua các huyện Tân Phú (Đồng Nai), Đạ Huoai, Đạ Tẻl, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Giai đoạn đầu đường xây dựng rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn một khoảng 18.000 tỷ đồng.
Theo đơn vị tư vấn này, đây là dự án thành phần số hai của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài 200 km. Trước đó, dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú dài 60 km với tổng kinh phí 6.400 tỷ đồng và cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương dài 73 km có vốn khoảng 12.000 tỷ đồng cũng được kiến nghị xây dựng. Tất cả đều được thiết kế 4 làn xe, tốc độ từ 80 đến 100 km/h.
Đầu năm nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng gửi văn bản cho Bộ Giao thông vận tải kiến nghị sớm xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc để giải quyết điểm nghẽn giao thông qua đèo Bảo Lộc.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, khi hoàn thành, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ giảm tải cho quốc lộ 20. Tuyến này kết nối hoàn chỉnh với cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Liên Khương – Prenn (Đà Lạt) đã đưa vào sử dụng từ năm 2008, rút ngắn thời gian đi lại từ Tây Nguyên về Đông Nam Bộ.
Nếu được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, các dự án sẽ được khởi công trong quý III năm 2022 và hoàn thành năm 2025.
Phước Tuấn